THỦ TỤC TẠM NGỪNG HOẠT ĐỘNG CÔNG TY CỔ PHẦN

Khi công việc kinh doanh không thuận lợi, nhiều khó khăn và bế tắc ập đến khiến doanh nghiệp không thể tiếp tục hoạt động, ngoài sự lựa chọn giải thể công ty cổ phần thì tạm ngừng kinh doanh là một con đường đáng cân nhắc. Về tổng quát, quy trình thực hiện việc tạm dừng kinh doanh đơn giản về dễ tiến hành hơn so với việc dừng kinh doanh hoàn toàn (giải thể). Hôm nay, Kế toán An Hiểu Minh sẽ giới thiệu cụ thể tất tần tật thủ tục và các trường hợp liên quan đến việc tạm ngừng kinh doanh đối với công ty cổ phần.

  1. Thông báo tạm ngừng kinh doanh

“Doanh nghiệp có quyền tạm ngừng kinh doanh nhưng phải thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn tạm ngừng kinh doanh cho cơ quan quản lý kinh doanh chậm nhất 15 ngày trước ngày tạm ngừng”

(Trích: Khoản 1, điều 200 Luật doanh nghiệp 2014)

“Đối với người nộp thuế thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản về việc tạm ngừng kinh doanh hoặc hoạt động kinh doanh trở lại với cơ quan đăng ký kinh doanh nơi người nộp thuế đã đăng ký theo quy định.

Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm thông báo cho cơ quan thuế biết về thông tin người nộp thuế tạm ngừng kinh doanh hoặc hoạt động kinh doanh trở lại chậm nhất không quá 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của người nộp thuế. Trường hợp người nộp thuế đăng ký tạm ngừng kinh doanh, cơ quan thuế có trách nhiệm thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh về nghĩa vụ thuế còn nợ với ngân sách nhà nước của người nộp thuế chậm nhất không quá 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin từ cơ quan đăng ký kinh doanh.”

(Trích Điều 14 thông tư  Số: 151/2014/TT-BTC, ngày 10 tháng 10 năm 2014  hướng dẫn thi hành nghị định 91/2014/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2014)

Từ quy định của Luật doanh nghiệp 2014; Nghị định 78 của Chính phủ, Thông tư 151 của Bộ Tài Chính như trích dẫn trên: Thủ tục tạm ngừng kinh doanh sẽ bắt đầu bằng việc doanh nghiệp chuẩn bị thông báo tạm ngừng kinh doanh gửi đến phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở thông báo về việc tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp, và thời gian nộp thông báo chậm nhất 15 ngày trước ngày tạm ngừng kinh doanh.

  1. Thủ tục Tạm ngừng kinh doanh 2019 với cơ quan thuế

Bạn đã đọc qua mục 1, Nếu như trước đây, khi tiến hành thủ tục tạm ngừng kinh doanh, Kế toán An Hiểu Minh phải đồng thời nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh đến phòng đăng ký kinh doanh và với cơ quan thuế, thì nay, Kế toán An Hiểu Minh chỉ phải nộp hồ sơ đến phòng đăng ký kinh doanh mà thôi. Tuy nhiên, sau khi nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh đến phòng đăng ký kinh doanh được chấp thuận thì doanh nghiệp vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ nộp các khoản thuế còn nợ, nộp đủ các tờ khai thuế của tháng hoặc quý trước khi tạm ngừng kinh doanh, và phải nộp các tờ khai như: Quyết toán thuế TNDN, TNCN, BCTC, thuyết minh BCTC của năm mà doanh nghiệp của bạn còn hoạt động.

  1. Tạm ngừng kinh doanh có phải nộp báo cáo thuế?

(Trích Điều 14 thông tư  Số: 151/2014/TT-BTC, ngày 10 tháng 10 năm 2014  hướng dẫn thi hành nghị định 91/2014/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2014)

“Người nộp thuế trong thời gian tạm ngừng kinh doanh không phát sinh nghĩa vụ thuế thì không phải nộp hồ sơ khai thuế của thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Trường hợp người nộp thuế tạm ngừng kinh doanh không trọn năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ quyết toán thuế năm.”

Nếu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trọn năm dương lịch hoặc năm tài chính, thì không phải nộp hồ sơ khai thuế  (GTGT,TNDN,TNCN,BCTC, báo cáo hóa đơn), Còn không trọn năm thì trước hết phải nộp các báo cáo GTGT, Báo cáo hóa đơn của quý còn hoạt động, và nộp đủ bộ hồ sơ quyết toán năm.

  1. Tạm ngừng kinh doanh có phải nộp thuế môn bài?

(Trích Điều 4 thông tư 302/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016)

“Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình đang sản xuất, kinh doanh và có thông báo gửi cơ quan thuế về việc tạm ngừng kinh doanh cả năm dương lịch thì không phải nộp lệ phí môn bài của năm tạm ngừng kinh doanh. Trường hợp tạm ngừng kinh doanh không trọn năm dương lịch thì vẫn phải nộp mức lệ phí môn bài cả năm”

Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trọn năm dương lịch sẽ không phải nộp lệ phí môn bài của năm tạm ngừng kinh doanh, trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh không trọn năm dương lịch thì vẫn phải nộp mức lệ phí môn bài cả năm; tạm ngừng kinh doanh từ 02/01/2019 đến 31/12/2019 hoặc hết hạn tạm ngừng tại ngày 28/12/2019 thì vẫn phải nộp lệ phí môn bài của cả năm 2019.

  1. Xử lý hóa đơn khi tạm ngừng kinh doanh

Khi tạm ngừng kinh doanh, cơ quan thuế không yêu cầu doanh nghiệp phải hủy hóa đơn còn chưa sử dụng; doanh nghiệp có thể giữ hóa đơn để trong trường hợp hoạt động lại có thể xuất cho khách hàng, hoặc khi quyết định giải thể có luôn hóa đơn để xuất thanh lý tài sản, hàng tồn kho.

Còn trong trường hợp doanh nghiệp lo rủi ro khi mất hóa đơn trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, hoặc không có nhu cầu sử dụng hóa đơn đã phát hành, doanh nghiệp có thể hủy hóa đơn trước thời điểm tạm ngừng kinh doanh có hiệu lực

  1. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh tối đa

 “Thời hạn tạm ngừng kinh doanh không được quá một năm. Sau khi hết thời hạn đã thông báo, nếu doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh vẫn tiếp tục tạm ngừng kinh doanh thì phải thông báo tiếp cho Phòng Đăng ký kinh doanh. Tổng thời gian tạm ngừng kinh doanh liên tiếp không được quá hai năm”

(Trích: Khoản 2điều 57 nghị định số Số: 78/2015/NĐ-CP)

Thời gian tạm ngừng kinh doanh tối đa cho mỗi lần thông báo tạm ngừng kinh doanh là 1 năm, và thời gian tạm ngừng liên tiếp không được quá 2 năm.

  1. Hết thời gian tạm ngừng kinh doanh

Tại lần thông báo tạm ngừng kinh doanh lần thứ nhất, có thời hạn là 1 năm, nếu bạn muốn tạm ngừng kinh doanh tiếp thêm một năm nữa, thì bạn phải nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh cho năm tiếp theo, và hồ sơ phải nộp chậm nhất 15 ngày trước ngày tạm ngừng lần thứ nhất hết hạn; Trường hợp bạn quên hay nộp hồ sơ đến phòng đăng ký kinh doanh dưới 15 ngày đến thời điểm hết hạn tạm ngừng của lần thông báo tạm ngừng lần thứ nhất, thì bạn sẽ phát sinh các nghĩa vụ thuế là: Tiền thuế môn bài nguyên năm, báo cáo quyết toán nguyên năm, và phải nộp tờ khai thuế của quý của khoảng thời gian tạm ngừng lần 1 hết hạn và thời gian bắt đầu tạm ngừng lần 2. Việc này thật là lãng phí và bất tiện, doanh nghiệp cần tránh rủi ro này.

  1. Tạm ngừng kinh doanh quá 2 năm

Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh quá 2 năm; doanh nghiệp sẽ được phòng đăng ký kinh doanh chuyển trạng thái từ “Tạm ngừng hoạt động” sang trạng thái “ đang hoạt động”;

Đồng thời cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ gửi thông báo sang cơ quan thuế chuyển trạng thái mã số thuế của doanh nghiệp từ “Người nộp thuế tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn” sang trạng thái “Người nộp thuế đang hoạt động (đã được cấp GCN ĐKT”.

Như vậy doanh nghiệp sẽ phải thực hiện ngay các công việc sau đây để tránh các rủi ro gặp phải khi muốn tiếp tục hoạt động hay giải thể sau này.

– Doanh nghiệp nộp tiền thuế môn bài nguyên năm (kể cả thời điểm doanh nghiệp hết thời hạn tạm ngưng sau ngày 30/06  (Cơ sở pháp lý: Điều 4 thông tư 302/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016)

– Kê khai thuế giá trị gia tăng và lập báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn ngay tại tháng, hoặc quý hết thời hạn tạm ngừng theo thông báo

– Kê khai thuế TNDN, TNCN, lập báo cáo tài chính cho năm hết thời hạn tạm ngừng theo thông báo.

Sau khi thực hiện nộp thuế môn bài và nộp tờ khai thuế như vừa nêu, doanh nghiệp vẫn không tiếp tục hoạt động kinh doanh, thì doanh nghiệp tiến hành các thủ tục giải thể doanh nghiệp; hoặc tiếp tục đăng ký tạm ngừng hoạt động; Thời hạn tạm ngừng kinh doanh không được quá một năm, Tổng thời gian tạm ngừng kinh doanh liên tiếp không được quá hai năm.

  1. Giải thể trong thời gian tạm ngừng kinh doanh

Doanh nghiệp nếu quyết định không hoạt động nữa có thể giải thể ngay trong thời gian tạm ngừng kinh doanh.

Doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ giải thể bên cơ quan quản lý thuế trước, doanh nghiệp phải thanh lý tài sản, hàng hóa trước khi giải thể, mà hiện tại thì doanh nghiệp đang trong thời hạn tạm ngừng kinh doanh, làm sao đây? Đang trong thời hạn tạm ngừng làm sao mà xuất hóa đơn thanh lý?

Gặp trường hợp như vậy, doanh nghiệp bắt buộc phải nộp thông báo hoạt động trở lại, hoặc để hết thời hạn tạm ngừng kinh doanh, nộp thuế môn bài, nộp tờ khai, thanh lý tài sản rồi mới nộp hồ sơ giải thể. Còn giải thể ngay trong thời gian tạm ngừng kinh doanh chỉ áp dụng được với các doanh nghiệp không phát sinh tài sản, hàng hóa, hoặc không còn tài sản, hàng hóa trước thời điểm tạm ngừng kinh doanh.

  1. Hồ sơ tạm ngừng kinh doanh

Hồ sơ tạm ngừng kinh doanh nộp đến phòng đăng ký kinh doanh như sau:

– Thông báo tạm ngừng kinh doanh (Phụ lục II-21 ban hành kèm TT02/2019);

– Quyết định của hội đồng quản trị về việc tạm ngừng kinh doanh 

– Biên bản họp hội đồng quản trị về việc tạm ngừng kinh doanh 

Lưu ý: Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị phụ thuộc (chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) cùng tỉnh thành phố với trụ sở chính, thì khi nộp hồ sơ tạm ngừng hoạt động có thể nộp hồ sơ tạm ngừng hoạt động của trụ sở chính cùng với hồ sơ tạm ngừng hoạt động của các đơn vị phụ thuộc

Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị phụ thuộc khác tỉnh thành phố với công ty, thì công ty phải nộp hồ sơ tạm ngừng cho các đơn vị phụ thuộc tại nơi các đơn vị phụ thuộc đặt trụ sở trước, khi có kết quả chấp thuận thì mới nộp hồ sơ tạm ngừng hoạt động của công ty.

  1. Quy trình nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh.

Kế toán An Hiểu Minh sẽ có hướng dẫn thật cụ thể, chi tiết về quy trình nộp hồ sơ và thủ tục với Sở Kế hoạch đầu tư và thủ tục về thuế.

  1. Tiếp tục kinh doanh trước thời hạn (Hoạt động lại)

Trường hợp doanh nghiệp muốn kinh doanh trước thời hạn hết hạn tạm ngừng kinh doanh; Doanh nghiệp gửi Thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký chậm nhất 15 ngày trước khi tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.

Thành phần hồ sơ gồm:

– Thông báo tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo của doanh nghiệp (Mẫu quy định);

– Quyết định của hội đồng quản trị về việc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo 

– Biên bản họp hội đồng quản trị về việc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo 

Mọi chi tiết, xin vui lòng liên hệ Kế toán An Hiểu Minh.

 

 

Ý kiến bình luận