09 công việc về nhân sự, kế toán cần làm trong tháng 01/2023

Trong tháng 01/2023 sắp tới, doanh nghiệp cần tiến hành những công việc về nhân sự, kế toán nào? Những công việc về nhân sự, kế toán mà doanh nghiện cần thực hiện trong tháng 01/2023, bao gồm:

 

1. Tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý IV/2022

Căn cứ điểm b khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 91/2022/NĐ-CP), doanh nghiệp tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế TNDN) quý IV trừ trường hợp:

– Thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng vốn của nhà thầu nước ngoài.

– Thuế thu nhập doanh nghiệp kê khai theo phương pháp tỷ lệ trên doanh thu theo từng lần phát sinh hoặc theo tháng theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP).

Doanh nghiệp phải tự xác định số thuế TNDN tạm nộp quý (bao gồm cả tạm phân bổ số thuế TNDN cho địa bàn cấp tỉnh nơi có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh, nơi có bất động sản chuyển nhượng khác với nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính) và được trừ số thuế đã tạm nộp với số phải nộp theo quyết toán thuế năm, cụ thể như sau:

– Số tiền thuế tạm nộp quý IV: Doanh nghiệp cần đảm bảo tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 04 quý không được thấp hơn 80% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm.

– Thời hạn tạm nộp thuế TNDN quý IV: chậm nhất là thứ Hai ngày 30/01/2023 (căn cứ khoản 1 Điều 55 Luật Quản lý thuế 2019).

2. Kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân

Trong tháng 01/2023, doanh nghiệp trả thu nhập từ tiền lương, tiền công thì kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân thay cho người lao động như sau:

– Trường hợp kê khai thuế thu nhập cá nhân theo tháng: hạn chót nộp hồ sơ khai thuế và nộp tiền thuế thu nhập cá nhân tháng 12/2022 là ngày 20/01/2023 (thứ Sáu).

– Trường hợp kê khai thuế thu nhập cá nhân theo quý: hạn chót nộp hồ sơ khai thuế và nộp tiền thuế thu nhập cá nhân quý IV/2022 là vào ngày 31/01/2023 (thứ Ba).

(Căn cứ khoản 1 Điều 44 và khoản 1 Điều 55 Luật Quản lý thuế 2019)

3. Kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng

Căn cứ khoản 1 Điều 44 và khoản 1 Điều 55 Luật Quản lý thuế 2019, doanh nghiệp thuộc diện khai thuế giá trị gia tăng theo tháng hoặc theo quý sẽ phải nộp tờ khai thuế và tiền thuế giá trị gia tăng trong tháng 01/2023 như sau:

– Trường hợp khai theo tháng: chậm nhất là ngày 20/01/2023, doanh nghiệp phải nộp tờ khai thuế và tiền thuế giá trị gia tăng cho tháng 12/2022.

– Trường hợp khai theo quý: chậm nhất là ngày 31/01/2023, doanh nghiệp phải nộp tờ khai thuế và tiền thuế giá trị gia tăng cho quý IV/2022.

4.  Khai và nộp lệ phí môn bài

Lệ phí môn bài là khoản thu thuộc ngân sách Nhà nước khai và nộp theo năm, cụ thể như sau:

– Doanh nghiệp chỉ phải nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài một lần cho cả thời gian hoạt động chậm nhất là ngày 30/01 năm sau năm thành lập hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh (trừ trường hợp trong năm có thay đổi về vốn thì người nộp lệ phí môn bài nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm sau năm phát sinh thông tin thay đổi).

– Doanh nghiệp nộp lệ phí môn bài hằng năm. Thời hạn nộp lệ phí môn bài năm 2023 chậm nhất là ngày 30/01/2023 (thứ Hai).

(Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 8, khoản 1 Điều 10 và khoản 9 Điều 18 Nghị định 126/2020/NĐ-CP)

5. Trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc

Doanh nghiệp có trách nhiệm trích tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) bắt buộc cho tháng 01/2023 như sau:

–  Doanh nghiệp trích từ tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của từng người lao động theo mức quy định (Xem cụ thể mức trích đóng BHXH, BHYT, BHTN năm 2023 TẠI ĐÂY).

– Phương thức đóng: chuyển cùng một lúc tiền trích đóng BHXH, BHYT, BHTN của tất cả người lao động vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.

– Thời hạn đóng: chậm nhất là ngày 31/01/2023 (trừ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp).

(Căn cứ Điều 7, Điều 16, khoản 1 Điều 17 và khoản 1 Điều 19 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017)

6. Trích nộp kinh phí Công đoàn

Căn cứ Điều 5 và Điều 6 Nghị định 191/2013/NĐ-CP, doanh nghiệp trích nộp kinh phí Công đoàn cho tháng 01/2023 như sau:

– Doanh nghiệp đóng kinh phí Công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động, tức là cũng sẽ đóng chậm nhất là vào ngày 31/01/2023.

– Mức trích đóng kinh phí Công đoàn: bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc cho người lao động.

7. Báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao động năm

Căn cứ khoản 1 Điều 24 Nghị định 39/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp gửi báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao động năm 2022 về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi đặt trụ sở chính trước ngày 10/01/2023 như sau:

– Báo cáo được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP.

– Báo cáo gửi bằng một trong các hình thức sau đây: trực tiếp, fax, đường bưu điện, thư điện tử.

8. Thông báo về tính hình biến động lao động (nếu có) hằng tháng

Căn cứ Điều 16 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH, doanh nghiệp phải thông báo tình hình biến động lao động cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở chính trước ngày 03/01/2023 nếu số lượng lao động làm việc tại doanh nghiệp trong tháng 12/2022 có biến động (tăng hoặc giảm).

9. Báo cáo về tình hình tham gia bảo hiểm thất nghiệp của năm trước

Theo quy định tại khoản 7 Điều 32 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, doanh nghiệp phải báo cáo về tình hình tham gia bảo hiểm thất nghiệp của năm 2022 cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trước ngày 15/01/2023.

Ý kiến bình luận