CÁCH TÍNH KHẤU HAO THEO PHƯƠNG PHÁP ĐƯỜNG THẲNG

CÁCH TÍNH KHẤU HAO THEO PHƯƠNG PHÁP  ĐƯỜNG THẲNG

Căn cứ theo Điều 13 Thông tư 45/2013/TT-BTC của Bộ Tài Chính quy định có 3 phương pháp trích khấu hao Tài sản cố định (TSCĐ) cụ thể như sau:

– Phương pháp khấu hao đường thẳng

– Phương  pháp khấu hao theo số dư giảm dần có điều chỉnh

– Phương pháp khấu hao theo số lượng, khối lượng sản phẩm.

Căn cứ vào khả năng đáp ứng các điều kiện áp dụng quy định cho từng phương pháp trích khấu hao TSCĐ, doanh nghiệp được lựa chọn các phương pháp trích khấu hao TSCĐ phù hợp với từng loại TSCĐ của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tự quyết định phương pháp trích khấu hao, thời gian trích khấu hao TSCĐ theo quy định tại Thông Tư 45 này và thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước khi bắt đầu thực hiện.

 Phương pháp trích khấu hao áp dụng cho từng TSCĐ mà doanh nghiệp đã lựa chọn và thông báo cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý phải được thực hiện nhất quán trong cả quá trình sử dụng TSCĐ.

Trường hợp đặc biệt cần phải thay đổi phương pháp trích khấu hao doanh nghiệp phải giải trình rõ sự thay đổi về cách thức sử dụng TSCĐ để đem lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp.

Sau đây Kế toán An Hiểu Minh xin trích các hướng dẫn phương pháp tính khấu hao theo phương pháp đường thẳng là phương pháp được nhiều doanh nghiệp áp dụng hiện nay.

Theo Điều 13 Thông tư 45/2013/TT-BTC phương pháp khấu hao đường thẳng là phương pháp trích khấu hao theo mức tính ổn định từng năm vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp của tài sản cố định (TSCĐ) tham gia vào hoạt động kinh doanh.

  1. Nội dung phương pháp khấu hao TSCĐ theo đường thẳng

Căn cứ Phụ lục 02 Thông tư 45/2013/TT-BTC quy định về việc trích khấu hao TSCĐ theo đường thẳng như sau:

  1. Xác định mức trích khấu hao trung bình hàng năm

Mức trích khấu hao trung bình hàng năm

=

Nguyên giá TSCĐ

Thời gian trích khấu hao

Trong đó:

– Nguyên giá TSCĐ được xác định như sau:

Nguyên giá TSCĐ

=

Giá mua thực tế

+

Các khoản thuế

+

Các chi phí liên quan

– Thời gian trích khấu hao TSCĐ:

Theo Điều 10 Thông tư 45/2013/TT-BTC xác định thời gian trích khấu hao của TSCĐ hữu hình như sau:

Trường hợp 1: Đối với TSCĐ còn mới (chưa qua sử dụng), doanh nghiệp phải căn cứ vào khung thời gian trích khấu hao TSCĐ quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 45/2013/TT-BTC để xác định thời gian trích khấu hao của TSCĐ.

Trường hợp 2: Đối với TSCĐ đã qua sử dụng, thời gian trích khấu hao của TSCĐ được xác định như sau:

Thời gian trích khấu hao của TSCĐ

=

 

Giá trị hợp lý của TSCĐ

x

 

Thời gian trích khấu hao của TSCĐ mới cùng loại xác định theo Phụ lục 1

Giá bán của TSCĐ cùng loại mới 100% (hoặc của TSCĐ tương đương trên thị trường)

Trong đó: Giá trị hợp lý của TSCĐ là giá mua hoặc trao đổi thực tế (trong trường hợp mua bán, trao đổi), giá trị còn lại của TSCĐ hoặc giá trị theo đánh giá của tổ chức có chức năng thẩm định giá (trong trường hợp được cho, được biếu, được tặng, được cấp, được điều chuyển đến) và các trường hợp khác.

  1. Mức trích khấu hao trung bình hàng tháng:

Mức trích khấu hao trung bình hàng tháng

=

Số khấu hao phải trích cả năm

12 tháng

Trường hợp mua TSCĐ về dùng ngay trong tháng thì mức khấu hao trong tháng phát sinh được tính như sau:

Mức khấu hao trong tháng phát sinh

=

Mức trích khấu hao theo tháng

x

Số ngày sử dụng trong tháng

Tổng số ngày phát sinh của tháng p/s

Trong đó:

Số ngày sử dụng trong tháng   = Tổng số ngày của tháng p/s   – Ngày bắt đầu sử dụng + 1

3 – Mức trích khấu hao cho năm cuối cùng:

Mức trích khấu hao năm cuối cùng của thời gian trích khấu hao TSCĐ

=

Nguyên giá của TSCĐ

Số khấu hao lũy kế đã được thực hiện đến năm trước năm cuối cùng

Lưu ý: Trường hợp thời gian trích khấu hao hay nguyên giá của TSCĐ thay đổi, doanh nghiệp phải xác định lại mức trích khấu hao trung bình của TSCĐ bằng cách lấy giá trị còn lại trên sổ kế toán chia cho thời gian trích khấu hao xác định lại hoặc thời gian trích khấu hao còn lại (được xác định là chênh lệch giữa thời gian trích khấu hao đã đăng ký trừ thời gian đã trích khấu hao) của TSCĐ.

Để hình dung rõ hơn về phương pháp trích khấu hao TSCĐ theo phương pháp đường thẳng, kế toán An Hiểu Minh xin đưa ra 1 ví dụ cụ thể:

Ví dụ: Ngày 2/01/2020, Công ty Kế toán An Hiểu Minh mua 1 máy photo (mới 100%) trị giá 45 triệu (chưa VAT), chi phí vận chuyển 1 triệu (chưa VAT), chi phí lắp đặt và chạy thử 2 triệu (chưa VAT).

Đến ngày 05/01/2020 thì máy photo được lắp đặt và chạy thử xong, lúc này DN mới đưa vào sử dụng cho bộ phận sản xuất.

Cách tính khấu hao theo phương pháp đường thẳng như sau:

Bước 1. Xác định thời gian trích khấu hao TSCĐ: Theo quy định tại Khung thời gian sử dụng các loại TSCĐ (Phụ lục I Thông tư số 45/2013/TT-BTC), máy photo có thời gian sử dụng từ 7-15 năm. DN lựa chọn trích khấu hao trong vòng 10 năm.

Bước 2. Xác định nguyên giá TSCĐ:

Nguyên giá = 45 tr + 1 tr + 2 tr = 48 triệu

Bước 3. Xác định mức tính khấu hao hàng năm:

Mức khấu hao hàng năm = Nguyên giá TSCĐ / Thời gian trích khấu hao

=> Mức khấu hao hàng năm = 48 triệu/10 năm = 4,8 triệu/ năm

Bước 4. Xác định mức khấu hao hàng tháng

Mức khấu hao hàng tháng= Mức khấu hao hàng năm/ 12 tháng

=> 4,8 tr/12 = 400.000 đ/tháng

Bước 5. Xác định mức khấu hao trong tháng 01/2020:

Công ty sử dụng từ ngày 05/01/2020

=>Số ngày sử dụng trong tháng 01/2020 = 31-5+1=27 ngày

=>Mức khấu hao trong tháng 01/2020 = (400.000/31)x 27 ngày = 348.400 đồng

Như vậy, trong tháng 01/2020 DN được trích 348.400 đồng, hàng tháng được trích 400.000 và hàng năm được trích 4.800.000 đồng vào chi phí kinh doanh.

Hạch toán:

– Ngày 02/01/2020 khi mua máy photo về (chưa lắp đặt, chạy thử)

Nợ TK 241                             48 triệu

Nợ TK 133                               4,8 triệu

     Có TK 111/112/331       52,8 triệu

– Ngày 05/01/2020 khi nghiệm thu bàn giao máy photo

Nợ  TK 241                48 triệu

   Có TK 211              48 triệu

– Tháng 01/2020 hạch toán chi phí khấu hao

Nợ TK 154/6274          348.400

    Có TK  2141               348.400

Hạch toán chi phí khấu hao các tháng tiếp theo:

Nợ TK 154/6274          400.000

    Có TK 2141               400.000

———————————————————————————

Các bài viết khác: Nghiệp vụ hạch toán mua và ghi tăng tài sản cố định

Chúc các bạn thành công! Mọi thắc mắc cần giải đáp các bạn có thể Comment trực tiếp ở phần bình luận bên dưới để được hỗ trợ!

Điện thoại: 02373.722.858 – Fax: 02373.722.858
Hotline: 0329.522.858 (Ms. Hoài) – 0961.522.858 (Ms. Hà)

 

 

 

 

Ý kiến bình luận