TÀI KHOẢN 131 – PHẢI THU CỦA KHÁCH HÀNG (Phần 2)
Ở phần 1, Kế toán An Hiểu Minh đã đề cập đến nguyên tắc kế toán, kết cấu và nội dung phảnánh của tài khoản 131. Trong phần 2 này, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn một số phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu sau:
- Khi bán sản phẩm, hàng hoá, cung cấp dịch vụ chưa thu được ngay bằng tiền (kể các khoản phải thu về tiền bán hàng xuất khẩu của bên giao ủy thác), kế toán ghi nhận doanh thu, ghi:
a) Đối với sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, bất động sản đầu tư thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế bảo vệ môi trường, kế toán phản ánh doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ theo giá bán chưa có thuế, các khoản thuế gián thu phải nộp được tách riêng ngay khi ghi nhận doanh thu (kể cả thuế GTGT phải nộp theo phương pháp trực tiếp), ghi:
Nợ TK 131 – Phải thu của khách hàng (tổng giá thanh toán)
Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (giá chưa có thuế)
Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
b) Trường hợp không tách ngay được các khoản thuế phải nộp, kế toán ghi nhận doanh thu bao gồm cả thuế phải nộp. Định kỳ kế toán xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và ghi giảm doanh thu, ghi:
Nợ TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
Ví dụ:Công ty A xuất khẩu lô hàng 200 sản phẩm A hợp đồng giá FOB ( giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất không bao gồm phí bảo hiểm quốc tế, phí vận tải quốc tế) là 11 USD/sp A. tỷ giá tính thuế là 22.500đ/USD. Thuế xuất khẩu sản phẩm A là 5%. Bên mua chưa thanh toán tiền hàng.
- Thuế xuất khẩu phải nộp = ( 200 sp x 11 USD/sp x 22.500 đ/USD) x 5% = 2.475.000 đ
- Hạch toán: Nợ TK 131 975.000
Có TK 511 49.500.000
Có TK 3333 2.475.000
- Kế toán hàng bán bị khách hàng trả lại:
Nợ TK 5213 – Hàng bán bị trả lại (giá bán chưa có thuế)
Nợ TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (số thuế GTGT của hàng bán bị trả lại, chi tiết cho từng loại thuế)
Có TK 131 – Phải thu của khách hàng.
Ví dụ : Bán 1 lô hàng trị giá 100.000.000, thuế GTGT 10%, giá vốn là 80.000.000đ. Chưa thu được tiền của khách hàng. Khách hàng trả lại 50% giá trị hợp đồng
- Khi xuất bán:
+ Ghi nhận doanh thu:
Nợ TK 131: 110.000.000
Có TK 511: 100.000.000
Có TK 3331: 10.000.000
+ Ghi nhận giá vốn:
Nợ TK 632: 80.000.000
Có TK 156: 80.000.000
- Khi khách hàng trả lại hàng cho công ty mình, kế toán hạch toán:
+ Ghi giảm 1/2 doanh thu
Nợ TK 5212: 50.000.000
Nợ TK 3331: 5.000.000
Có TK 131: 55.000.000
+ Ghi giảm giá vốn và đồng thời nhập lại hàng hóa
Nợ TK 156: 40.000.000
Có TK 632: 40.000.000
- Kế toán chiết khấu thương mại và giảm giá hàng bán
a) Trường hợp số tiền chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán đã ghi ngay trên hóa đơn bán hàng, kế toán phản ánh doanh thu theo giá đã trừ chiết khấu, giảm giá (ghi nhận theo doanh thu thuần) và không phản ánh riêng số chiết khấu, giảm giá;
b) Trường hợp trên hóa đơn bán hàng chưa thể hiện số tiền chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán do khách hàng chưa đủ điều kiện để được hưởng hoặc chưa xác định được số phải chiết khấu, giảm giá thì doanh thu ghi nhận theo giá chưa trừ chiết khấu (doanh thu gộp). Sau thời điểm ghi nhận doanh thu, nếu khách hàng đủ điều kiện được hưởng chiết khấu, giảm giá thì kế toán phải ghi nhận riêng khoản chiết khấu giảm giá để định kỳ điều chỉnh giảm doanh thu gộp, ghi:
Nợ TK 521 – Các khoản giảm trừ doanh thu (5211,5212)(giá chưa có thuế)
Nợ TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (số thuế của hàng giảm giá, chiết khấu thương mại)
Có TK 131 – Phải thu của khách hàng (tổng số tiền giảm giá).
Ví dụ:Công ty A bán hàng cho Công ty B 01 lô hàng với tổng tiền đã bao gồm VAT là 110.000.000 đồng, thuế suất thuế giá trị gia tăng của các mặt hàng là 10%.Giá vốn lô hàng: 97.000.000đ. Công ty A cho khách hàng là công ty B hưởng 1 khoản chiết khấu thương mại là 5% tính trên giá chưa bao gồm thuế GTGT vì khách hàng này mua hàng với 1 khối lượng lớn theo quy chế bán hàng của công ty. Công ty B chưa thanh toán cho Công ty A.
Kế toán công ty A tiến hành định khoản nghiệp vụ này như sau:
- Phản ánh doanh thu bán hàng:
Nợ TK 131: 110.000.000
Có TK 5111: 100.000.000
Có TK 3331: 10.000.000
- Phản ánh giá vốn hàng bán:
Nợ TK 632: 97.000.000
Có TK 156: 97.000.000
· Phản ánh số tiền giảm cho khách hàng
Nợ TK 5211: 5.000.000 (100.000.000 * 5%)
Có TK 131: 5.000.000
- Cuối kỳ kế toán năm:kế toán kết chuyển các khoản giảm trừ doanh thu vào tài khoản 5111:
Nợ TK 5111: 5.000.000
Có TK 5211: 5.000.000
- Số chiết khấu thanh toán phải trả cho người mua do người mua thanh toán tiền mua hàng trước thời hạn quy định, trừ vào khoản nợ phải thu của khách hàng, ghi:
Nợ TK 111/112 (Tiền mặt/ tiền gửi ngân hàng)
Nợ TK 635 – Chi phí tài chính (Số tiền chiết khấu thanh toán)
Có TK 131 – Phải thu của khách hàng.
Ví dụ:Ngày 02/02/2020 Công ty A bán hàng cho Công ty B 01 lô hàng với tổng tiền đã bao gồm VAT là 110.000.000 đồng. Công ty B chưa thanh toán cho Công ty A. Đến ngày 15/02/2020 công ty Bchuyển khoản thanh toán cho Công ty A, Công ty A cho Công ty B hưởng 1 khoản chiết khấu thanh toán 5% tính trên giáđã bao gồm thuế GTGT vì Công ty B thanh toán một lần theo quy chế của công ty.
Nợ TK 112: 104.500.000
Nợ TK 635: 5.500.000
Có TK 131: 110.000.000
Lê Hoa
BÀI VIẾT KHÁC:PHẢI THU CỦA KHÁCH HÀNG TÀI KHOẢN 131 – PHẦN 1
Chúc các bạn thành công! Mọi thắc mắc cần giải đáp các bạn có thể Comment trực tiếp ở phần bình luận bên dưới để được hỗ trợ!