Quy chế chi tiêu nội bộ – Căn cứ lập dự toán ngân sách Nhà nước trong đơn vị HCSN

Lập dự toán ngân sách Nhà nước là việc sử dụng vốn và cách tính toán toàn diện mục tiêu kinh tế, tài chính mà đơn vị hành chính sự nghiệp cần phải đạt được trong năm tài chính. Dự toán là một công cụ của nhà quản lý, được sử dụng trong việc lập kế hoạch, kiểm soát và đánh giá hoạt động. Quy chế chi tiêu nội bộ chính là cơ sở để lập nên Dự toán ngân sách Nhà nước trong đơn vị Hành chính sự nghiệp.

Kế toán An Hiểu Minh sẽ cùng các bạn xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ – Căn cứ lập dự toán NSNN trong đơn vị HCSN”:

1.1. Biên bản họp hội đồng V/v xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ

Mang tính chất công khai minh bạch về các chỉ tiêu chi tiêu tài chính. Cuộc họp hội đồng nhà trường được mở ra để tất cả các phòng, ban, tổ chuyên môn, bộ phận và tập thể cán bộ giáo viên trong nhà trường đưa ra ý kiến đóng góp xây dựng “Dự thảo” quy chế chi tiêu nội bộ. Tiến hành thảo luận từng Điều, Mục trong dự thảo “Quy chế chi tiêu nội bộ” trên nền tảng của năm trước đó.

Căn cứ nguồn kinh phí dự toán chi NSNN được giao, Hiệu trưởng sẽ quyết định mức chi và ưu tiên các nhiệm vụ chi quan trọng và cấp thiết trước, các nhiệm vụ chi còn lại sẽ phụ thuộc vào khả năng tài chính của đơn vị.

Nội dung cuộc họp đi đến thống nhất phương án tự chủ tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tài chính và đề nghị tổ chức chỉ đạo thực hiện dự toán NSNN công khai minh bạch trong đơn vị, trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả tạo điều kiện tốt nhất cho các hoạt động của nhà trường, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của người lao động thực hiện theo “Quy chế chi tiêu nội bộ”. 

1.2. Phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tài chính

Căn cứ Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Căn cứ vào dự toán chi NSNN đơn vị xác định phân loại là “Đơn vị hành chính sự nghiệp có thu”.

1.3. Quyết định V/v xây dựng và thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ

Căn cứ kết quả cuộc họp Hội đồng nhà trường V/v xây dựng dự thảo quy chế chi tiêu nội bộ.

Căn cứ phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tài chính.

Hiệu trưởng nhà trường đưa ra Quyết định V/v xây dựng và thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ.

1.4. Nội dung quy chế chi tiêu nội bộ

Ban hành kèm theo Quyết định V/v xây dựng và thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ. Bao gồm các nội dung cơ bản sau:

1.4.1. Những quy định chung

Là đơn vị sự nghiệp công lập Giáo dục và Đào tạo, kinh phí hoạt động thường xuyên do NSNN cấp đảm bảo theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của nhà trường dựa trên nguyên tắc công khai dân chủ theo quy định của pháp luật hiện hành, mọi khoản thu, chi của trường đều được thể hiện qua hệ thống sổ sách kế toán theo luật NSNN.

Quy chế chi tiêu nội bộ đã được thảo luận công khai và có ý kiến đóng góp của cán bộ giáo viên trong đơn vị, thực hiện quy chế nhằm tạo quyền chủ động trong việc quản lý chi tiêu tài chính và tạo điều kiện cho cán bộ giáo viên trong đơn vị hoàn thành nhiệm vụ.

Quy chế chi tiêu nội bộ là cơ sở để quản lý, thanh toán các khoản chi tiêu trong đơn vị được công bằng và thống nhất, khuyến khích tăng thu, tiết kiệm chi, sử dụng có hiệu quả tài sản, tài chính, là cơ sở để đánh giá việc thực hiện tiết kiệm chống lãng phí.

Là căn cứ để thực hiện kiểm soát của Kho bạc Nhà nước, cơ quan tài chính và các cơ quan thanh tra, kiểm toán theo quy định.

Đối tượng thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ: cán bộ giáo viên, nhân viên và các tổ chức không phân biệt hợp đồng hay biên chế trong nhà trường.

1.4.2. Căn cứ và nguyên tắc xây dựng quy chế

Quy chế được xây dựng trên cơ sở các nguồn thu và quy định chế độ, định mức theo tiêu chuẩn hiện hành của Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Căn cứ các thông tư nghị định nêu ở CƠ SỞ PHÁP LÝ”

1.4.3. Những quy định cụ thể

* Nguồn thu

Nguồn thu tài chính thực hiện theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Nhà trường quản lý thống nhất và toàn diện các nguồn thu bao gồm:

– Nguồn kinh phí do Ngân sách Nhà nước cấp.

– Kinh phí các chương trình mục tiêu quốc gia.

– Học phí căn cứ Quyết định số 576/QĐ-UBND ngày 24/02/2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa V/v phê duyệt kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 41/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định mức thu và sử dụng học phí trong các cơ sở giáo dục, đào tạo công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ năm học 2016 – 2017 đến năm học 2020 – 2021.

– Tiền, hiện vật của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ cho công tác xã hội hóa giáo dục.

* Nội dung chi

– Chi thanh toán cá nhân:

+) Chi tiền lương (Mục 6000): Căn cứ Nghị định số 72/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ V/v Quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Thông tư số 06/2018/TT-BNV ngày 31/05/2018 của Bộ Nội vụ V/v Hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội và hội.

Tiền lương, tiền công cán bộ viên chức được hưởng theo tiền lương ngạch bậc do nhà nước quy định  =  Hệ số lương  x  Mức lương cơ bản.

Trường hợp người lao động nghỉ việc hưởng chế độ BHXH sẽ được thanh toán theo chế độ BHXH hiện hành.

+) Chi các khoản phụ cấp lương (Mục 6100):

F Phụ cấp thâm niên vượt khung: Căn cứ Thông tư số 04/2005/TT-BNV ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ V/v Hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Phụ cấp TNVK  =  % TNVK  x  Hệ số lương  x  Mức lương cơ bản

Phụ cấp TNVK được dùng để đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp

F Phụ cấp chức vụ: Căn cứ Thông tư số 33/2005/TT-BGD&ĐT ngày 08/12/2005 của Bộ Giáo dục và Đào tạo V/v Hướng dẫn tạm thời thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục công lập.

Phụ cấp chức vụ  =  Hệ số phụ cấp chức vụ  x  Mức lương cơ bản

Phụ cấp chức vụ được dùng để đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp

Ví dụ:

Hiệu trưởng hệ số

: 0,55

Phó hiệu trưởng hệ số

: 0,45

Tổ trưởng chuyên môn hệ số

: 0,3

Tổ phó chuyên môn hệ số

: 0,2

F Phụ cấp trách nhiệm: Căn cứ Thông tư số 05/2005/TT-BNV ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ V/v Hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Phụ cấp trách nhiệm  =  Hệ số phụ cấp trách nhiệm  x  Mức lương cơ bản

Ví dụ:

Y tế hệ số

: 0,3

Văn thư hệ số

: 0,2

Kế toán trưởng hệ số

: 0,2

F Phụ cấp khu vực: Căn cứ Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ – Bộ Lao động thương binh xã hội – Bộ Tài chính – Ủy ban dân tộc Chính phủ quy định V/v Hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp khu vực.

Phụ cấp khu vực  =  Hệ số phụ cấp khu vực  x  Mức lương cơ bản

Ví dụ: Mức phụ cấp khu vực áp dụng tại đơn vị hệ số: 0,1

F Phụ cấp thêm giờ: Căn cứ Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 08/03/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tại, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính quy định V/v Hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.

F Phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên: Căn cứ Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC ngày 23/01/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính quy định V/v Hướng dẫn thực hiện quyết định số 244/2005/QĐ-TTG ngày 06/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.

Ví dụ: Định mức được hưởng tại đơn vị như sau: (Tiền lương + PC chức vụ + PC thâm niên vượt khung) x 50 %.

Đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn căn cứ điều 7 chương 3 Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/06/2006 của Chính phủ quy định về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp ưu đãi mức 70% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) và không hưởng phụ cấp ưu đãi đã quy định tại Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 06  tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.

F Phụ cấp thâm niên nhà giáo: Căn cứ Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04/07/2011 của Chính phủ quy định về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo.

Căn cứ Điều 2,3 của nghị định, nhà giáo có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 5 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên. Mức phụ cấp thâm niên = 5% x (Mức lương hiện hưởng + PC chức vụ + PC thâm niên vượt khung). Từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%.

Phụ cấp thâm niên nhà giáo được dùng để đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp.

F Phụ cấp thu hút: Căn cứ Điều 4 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Phụ cấp thu hút tính theo quy định hiện hành của Nhà nước bằng 70% tiền lương tháng hiện hưởng, bao gồm: mức lương chức vụ, ngạch, bậc hoặc cấp hàm và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Thời gian hưởng phụ cấp thu hút là thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và không quá 5 năm. Thời điểm tính phụ cấp thu hút được quy định như sau:

+ Nếu đang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì được tính hưởng phụ cấp thu hút kể từ ngày Nghị định 116 có hiệu lực thi hành, tức ngày 01/03/2007 quy định tại điều 12 của Nghị định.

+ Nếu đến công tác sau ngày Nghị định có hiệu lực thi hành thì được hưởng phụ cấp thu hút kể từ ngày có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

F Phụ cấp công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn: Căn cứ Điều 5 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn mức 0,5 so với mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở cùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 5 năm đến dưới 10 năm…

+) Chi học bổng và hỗ trợ khác cho học sinh, sinh viên, cán bộ đi học (Mục 6150):  Căn cứ Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021.

Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ GD&ĐT – Bộ Lao động – Thương binh và xã hội – Bộ tài chính quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật.

+) Chi tiền thưởng (Mục 6200): Căn cứ Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/07/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng.

Chi tiền thưởng cho cán bộ giáo viên, nhân viên, tập thể lớp; Chi tiền thưởng cho học sinh đạt danh hiệu trong năm học, đạt giải tại các hội thi,…

+) Chi phúc lợi, tập thể (Mục 6250):

Chi tiền chè nước, hỗ trợ các ngày lễ, tết, ngày kỉ niệm lớn trong năm, chi hỗ trợ nghỉ hưu, hiếu, hỷ, thăm hỏi ốm đau,…

+) Các khoản đóng góp (Mục 6300): Căn cứ Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/04/2017 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam V/v ban hành quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ, BNN); quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế.

F BHXH: Đơn vị sử dụng lao động trích nộp 17,5%, người lao động 8% lương ngạch bậc, chức vụ, phụ cấp TNVK, phụ cấp thâm niên nghề. (bao gồm cả tiền lương theo hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương tối thiểu theo quy định chung của Nhà nước) và phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung , phụ cấp thâm niên nghề (Nếu có).

F BHYT: Đơn vị sử dụng lao động trích nộp 3%, CBGV trích nộp 1,5% lương ngạch bậc, chức vụ, phụ cấp TNVK, phụ cấp thâm niên nghề. (bao gồm cả tiền lương theo hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương tối thiểu theo quy định chung của Nhà nước) và phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (Nếu có).

F BHTN: Đơn vị sử dụng lao động trích nộp 1%, người lao động nộp 1% lương ngạch bậc, chức vụ, phụ cấp TNVK, phụ cấp thâm niên nghề. (bao gồm cả tiền lương theo hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương tối thiểu theo quy định chung của Nhà nước) và phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (Nếu có).

F Kinh phí công đoàn:

Căn cứ Quyết định số 1780/QĐ-TLĐ ngày 26/10/2017 của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam V/v ban hành quy định về nguyên tắc xây dựng và giao dự toán tài chính công đoàn năm 2018; Hướng dẫn số 1784/HD-TLĐ ngày 06/11/2017 của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam V/v xây dựng dự toán tài chính công đoàn năm 2018.

* Đoàn phí công đoàn

* Kinh phí công đoàn

Đơn vị trích nộp kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương theo ngạch bậc và phụ cấp chức vụ,  phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

+) Chi các khoản thanh toán khác cho cá nhân (Mục 6400):

Căn cứ Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09/05/2017 của Chính phủ V/v Quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người.

Chi hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ mẫu giáo theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 05/01/2018 V/v quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non.

– Chi về hàng hóa, dịch vụ:

+) Thanh toán dịch vụ công cộng (Mục 6500):

Chi tiền điện, nước, phí vệ sinh môi trường,…căn cứ Nghị định số 84/2014/NĐ-CP ngày 08/09/2014 của Chính phủ V/v Quy định chi tiết một số điều của luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

+) Chi vật tư văn phòng (Mục 6550):

Bao gồm văn phòng phẩm, mua sắm công cụ, dụng cụ văn phòng, vật tư văn phòng phẩm thường xuyên dùng cho công việc, mua sắm khi cần thiết với tinh thần tiết kiệm tránh lãng phí.

F VPP dùng chung cho chuyên môn: chi theo nhu cầu thực tế phát sinh, Hiệu trưởng sẽ trực tiếp xem xét và phê duyệt nhu cầu.

F VPP của CBGV được cấp trong năm học gồm: giấy, mực in, sổ công tác, bút, bút chấm bài, gim dập, lịch,…tùy thuộc vào nhu cầu thực tế của nhiệm vụ chuyên môn và mức kinh phí của đơn vị được giao trong năm.

Vật tư văn phòng và đồ dùng văn phòng: Bàn ghế, bục, tủ đựng hồ sơ, phích đựng nước nóng, ấm nấu nước, ấm chè, bình lọc nước, khăn trải bàn, lọ hoa, cờ, tượng Bác, Logo, quốc hiệu, bảng tin, thiết bị âm thanh, máy vi tính (không phải tài sản), máy in, fax, điện thoại, internet, đồng hồ treo tường, quạt,…

+) Chi thông tin, tuyên truyền, liên lạc (Mục 6600):

Cước điện thoại được thanh toán theo hóa đơn Bưu điện, nhưng chỉ chi cho trường hợp sử dụng điện thoại cho công việc không sử dụng điện thoại cho cá nhân, nếu có nhu cầu cần thiết thì phải có sự đồng ý của thủ trưởng và người gọi điện thoại phải trả tiền cước phí.

Tiền báo chí thanh toán theo các loại báo quy định như: Tập san giáo dục mầm non,…

Cước phí Internet, thư điện tử: được khoán hàng tháng theo gói cước đăng ký với nhà mạng cung cấp.

Cước phí bưu chính, tuyên truyền phát sinh (nếu có) phục vụ cho công tác chuyên môn, hoạt động của nhà trường.

+) Chi Hội nghị phí (Mục 6650):

Căn cứ Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/04/2017 của Bộ Tài chính V/v Quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.

In, mua tài liệu, tiền vé máy bay, tàu xe, thuê hội trường, phương tiện vận chuyển, thuê phòng nghỉ,….

+) Chi công tác phí (Mục 6700):

Căn cứ Nghị quyết số 64/2017/NQ-HĐND ngày 12/07/2017 của Hội đồng nhân dân Tỉnh Thanh Hóa V/v quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các hội nghị đối với các cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Thanh Hóa.

Ví dụ: Nhằm đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ hiệu quả, tiết kiệm thời gian, khoán công tác phí cho cán bộ giáo viên, nhân viên thường xuyên đi công tác trên 10 ngày/ tháng, mức khoán cụ thể như sau:

Hiệu trưởng

: 300.000 đồng/tháng

Phó hiệu trưởng

: 200.000 đồng/tháng

Kế toán

: 300.000 đồng/tháng

Thủ quỹ kiêm văn thư

: 150.000 đồng/tháng

+) Chi phí thuê mướn (Mục 6750)

Bao gồm thuê mướn làm vệ sinh môi trường, thuê bảo vệ, chăm sóc khuôn viên sân trường, vận chuyển tài sản, thiết bị,…thanh toán theo nhu cầu thực tế, nhưng phải thật sự cần thiết.

+) Chi sửa chữa, duy tu tài sản phục vụ công tác chuyên môn và các công trình cơ sở hạ tầng (Mục 6900)

Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/03/2016 của Bộ Tài chính V/v Quy định chi tiết việc sử dụng vốn Nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan Nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.

+) Chi mua tài sản dùng phục vụ công tác chuyên môn (Mục 6950)

Căn cứ Luật số 15/2017/QH14 ngày 21/06/2017 V/v quản lý, sử dụng tài sản công.

+) Chi phí nghiệp vụ chuyên môn từng ngành (Mục 7000)

Công tác ra đề thi, chấm thi, in ấn, photo tài liệu dùng cho chuyên môn. Vận dụng Thông tư liên tịch số 66/2012/TTLT-BTC-BGD ngày 26/04/2012 của Bộ Tài chính – Bộ Giáo dục và Đào tạo V/v Hướng dẫn về nội dung, mức chi, công tác quản lý tài chính thực hiện xây dựng ngân hàng câu trắc nghiệm, tổ chức các kỳ thi phổ thông, chuẩn bị tham sự các kỳ thi Olympic Quốc tế và khu vực.

Chi sách báo, tạp chí, đồ dùng dạy học phục vụ công tác giảng dạy khi có nhu cầu phát sinh hiệu trưởng quyết định.

Chi mua hàng hóa, vật tư dùng cho chuyên môn từng ngành.

Trang thiết bị kỹ thuật chuyên dụng (không phải TSCĐ)

+) Chi mua sắm tài sản vô hình (Mục 7050):

Chi mua phần mềm máy tính khi có chủ trương và chỉ đạo của ngành.

– Các khoản chi khác:

+) Chi khác (Mục 7750): Chi tiếp khách, chi các khoản khác,…

* Nguồn chi khác

Chi từ nguồn thu học phí gồm: Bổ sung 40% vào Nguồn cải cách tiền lương theo quy định nhà nước, còn lại 60% phân bổ cụ thể như sau:

–  Chi quản lí và công tác thu nộp mua biên lai, sổ sách.

–  Khen thưởng, phúc lợi.

–  Chi hoạt động nghiệp vụ chuyên môn,…

1.4.4. Điều khoản thi hành

Quy chế chi tiêu nội bộ được thảo luận dân chủ trong tập thể Hội đồng nhà trường và được tập thể cán bộ, giáo viên biểu quyết thông qua. Trong quá trình thực hiện nếu có thay đổi về chế độ, chính sách, định mức chi hiệu trưởng chịu trách nhiệm bổ sung, sửa đổi cho phù hợp và thông qua Hội đồng nhà trường biểu quyết. Quy chế chi tiêu nội bộ có hiệu lực kề từ ngày ký.

Chúc các bạn thành công! Mọi thắc mắc cần giải đáp các bạn có thể Comment trực tiếp ở phần bình luận để được hỗ trợ!

BÀI LIÊN QUAN: MỘT VÀI NÉT CƠ BẢN VỀ KẾ TOÁN HÀNH CHÍNH SỰ NGHIỆP

———————————————————————————————————————————————————

Kế toán An Hiểu Minh – Lấy tâm dựng tầm!

Các bạn tìm hiểu khóa học Kế toán thực tế chuyên sâu có thể tham khảo: Lớp học thực hành Kế toán thuế An Hiểu Minh tại Thanh Hóa.

Ý kiến bình luận